“Vi khuẩn ăn thịt người” là gì?

 “Vi khuẩn ăn thịt người” (Flesh-eating bacteria), gọi tắt FEB là cụm từ để nói về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (Necrotizing Fasciitis) hay NF, chứ thực tế không có vi khuẩn nào ăn thịt người theo đúng nghĩa đen. Viêm cân mạc hoại tử là một dạng nhiễm khuẩn sâu dưới da không thường gặp, tiến triển rất nhanh, do độc tố của vi khuẩn gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.

Loại vi khuẩn gây viêm NF là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (group A beta hemolytic streptococcal - GABHS), vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore (Melioidosis) hiện đang bùng phát tại tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên, gây áp xe, hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da. Đây là bệnh ít gặp, không bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, nó tiến triển rất nghiêm trọng, tử vong cao, đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính.

Viêm NF được phân làm hai loại, loại I hay type I là do nhiễm khuẩn hỗn hợp, thường kết hợp giữa một loài vi khuẩn yếm khí với một hoặc nhiều loại vi khuẩn yếm khí tùy nghi. NF  type II là do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, giữa hai loại viêm NF, thì viêm type II chiếm đa số.

Con đường nhiễm FEB là xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở, đôi khi xâm nhập qua các vết cắt nhỏ, vết trầy xước, côn trùng cắn, hình xăm, phẫu thuật... Trong một số trường hợp, con đường nhiễm vi khuẩn gây viêm NF không rõ ràng. Khi đã xuất hiện, NF thường tiến triển nhanh và phá hủy mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.

Khuẩn gây bệnh Withmore

Melioidosis hay Whitmore là bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm. Vi khuẩn này còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Whitmore có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh. Bệnh phổ biến ở khu vực Đông Nam Á và Bắc Úc,  Nam Thái Bình Dương, Châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), các loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong đất, ở các cánh đồng lúa, và các vùng nước tù đọng trong khu vực. Người nhiễm bệnh do hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da. Nhiễm trùng thường xảy ra trong mùa mưa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% những người bị bệnh Whitmore có một hoặc nhiều  yếu tố nguy cơ, điều đó đồng nghĩa Whitmore  có thể là một nhiễm trùng cơ hội. Như nhóm người mắc bệnh đái tháo đường, người nghiên rượu, bệnh thận hoặc bệnh phổi mạn tính, người sử dụng corticoid, bệnh ung thư. Bệnh đái tháo đường có tỷ lệ mắc bệnh cao  37 - 60%, điều này cho thấy insullin có thể trực tiếp ảnh hưởng đến vi khuẩn B. Pseudomallei. Bệnh Whitmore khó lây từ người sang người, thường  có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và do vậy dễ bị bỏ sót hoặc nhầm với bệnh lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường. Thời gian ủ bệnh của Whitmore trung bình 9 ngày, đôi khi kéo dài tới 3 tuần, thậm chí có ca dài tới hàng chục năm. Tỷ lệ tái của Whitmore vào khoảng 1/16 ca, 1/4 trường hợp bệnh tái lại là do tái nhiễm, với số còn lại là do tái phát từ một ổ nhiễm tồn tại dai dẳng.

Theo CDC, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore, nên việc phòng tránh là rất quan trọng thông qua vệ sinh môi trường sạch sẽ, sát khuẩn kịp thời nếu bị vết thương ngoài da. Nên đi khám ngay nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ. Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn.

Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch trước và ngay sau khi tiếp xúc. Những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được điều trị ổn định, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời. Mặc dù ít gặp và không lây lan trực tiếp từ người sang người, nhưng công tác phòng tránh bệnh Whitmore vẫn cần được thực hiện để hạn chế khả năng mắc phải những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao.

“Sát thủ thầm lặng”

Theo CDC nhóm người có nguy cơ tử vong cao nhất thuộc diện mắc bệnh gan, ung thư, đái tháo đường, HIV và Thalassemia (bệnh thiếu máu di truyền ở vùng Đại Trung Hải). Theo CDC, vi khuẩn Vibrio thường gây ra các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Nhưng những người có vấn đề về y tế như bệnh gan, tiểu đường, rối loạn dạ dày hoặc các tình trạng khác mà nhiễm khuẩn thì hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu nhanh chóng, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Đầu năm 2018,  một phụ nữ Texas đã chết sau khi ăn hàu sống khi đi nghỉ ở Louisiana. Vài ngày sau, cô rơi vào tình trạng khó thở, những vết loét và phát ban phát triển ngày càng nặng nề. Một lần tại bệnh viện, cô được chẩn đoán bị bệnh vẩy nến, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Vibrio gây ra. Do tính chất của các vết loét do nhiễm khuẩn Vibrio, vi khuẩn này thường được gọi là vi khuẩn ăn thịt người. Theo CDC, bệnh do Vibriosis gây ra lại tách biệt khỏi viêm hoại tử thường được gọi là nhiễm trùng ăn thịt, do vi khuẩn thuộc nhóm A strep, E. coli và staph.

CDC ước tính khoảng 52.000 trường hợp này là do ăn thực phẩm bị ô nhiễm, chủ yếu là các loại động vật có vỏ sống hoặc chưa nấu chín. Khoảng 95% các ca nhiễm trùng nghiêm trọng tại Mỹ là do ăn sò sống vùng Vịnh do sò ở đây đều mang khuẩn Vibrio, nhất là trong những tháng mùa hè. Triệu chứng duy nhất là nôn ói và tiêu chảy. Tuy nhiên, ngoài ăn sò sống, nhiễm trùng cũng có thể xảy ra khi phơi nhiễm vết thương hở với nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là nước lợ, nước mặn, nhưng cơ chế lây nhiễm này ít phổ biến hơn.

Vibrio vulnificus là khuẩn gram âm có khả năng di động hình que cong thuộc chi Vibrio, có liên quan rất mật thiết với khuẩn V. cholerae, tác nhân gây bệnh tả. Vibrio vulnificus (Vibrio)  là một trong các loài Vibrio (có khoảng 12 loài Vibrio gây bệnh ở người, quen thuộc hơn cả là Vibrio cholerae và Vibrio parahaemolyticus gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính với biểu hiện là tiêu chảy nghiêm trọng), thuộc họ Vibrionaceae.

Theo CDC, Vibrio là khuẩn nguy hiểm nên việc điều trị kịp thời là yêu cầu quan trọng nhất. Người khỏe mạnh không cần phải tránh nước hoặc tránh xa hải sản, tuy nhiên, khi có vết thương mở hoặc có hệ miễn dịch yếu nên tránh xa với môi trường nước biển nhiễm khuẩn và hải sản tươi sống. Có một thực tế, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách ăn hàu được nấu chín. Nhưng hàu sống hiện nay mới là món khoái khẩu, và điều ấy vô hình trung dẫn đến những mối nguy sức khỏe không mong muốn như việc bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công. Theo FDA, nhiệt độ nấu chín là thứ duy nhất có thể tiêu diệt được vi khuẩn Vibrio, từ đó khuyến cáo mọi người hãy ăn hàu đã nấu chín để tránh tổn hại sức khỏe. Ăn hàu sống cũng là một thủ phạm chính trong việc lây lan viêm gan A và norovirus - thường được gọi là bệnh cúm dạ dày. Cả hai bệnh nhiễm trùng đều có thể gây buồn nôn, nôn và đau bụng.

 

                                                                                                                                       Nguồn: https://suckhoedoisong.vn