Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay cả nước đã ghi nhận trên 65.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 07 trường họp tử vong. Hà Nội cũng đã ghi nhận trên 2.200 trường họp mắc với 02 trường hợp tử vong, trong đó có nhiều trường hợp mắc là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thành phố và số mắc có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.

Định nghĩa: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm cho con người, đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mắc bệnh, người bệnh có biểu hiện sốt cao và xuất huyết dưới da, bệnh diễn biến nặng có khả năng gây tử vong cao. Bệnh sốt xuất huyết được truyền từ người này sang người khác qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Vì vậy, bệnh có thể lây lan thành dịch nhanh chóng.

          Để phòng chống bệnh một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp như sau:

1.  Thứ nhất: Diệt lăng quăng (bọ gậy) nhằm hạn chế phát sinh của muỗi vằn bằng cách:

         - Các dụng cụ chứa nước cần phải được đậy nắp kín để muỗi không vào đẻ trứng.

          - Các dụng cụ chứa nước không thể đậy kín như hòn non bộ, các hồ nên thả cá 7 màu để ăn lăng quăng.

         - Thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước mỗi tuần/ 1lần để loại bỏ lăng quăng.

          - Trong và xung quanh nhà cần vệ sinh sạch sẽ, thay nước bình hoa, thường xuyên thu gom loại bỏ các vật dụng đọng nước như: vỏ đồ hộp, chai lọ,... để không còn là nơi muỗi đẻ trứng.      

- Thường xuyên kiểm tra lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, phát hiện có lăng quăng phải xử lý kịp thời.

 

         2. Thứ hai: Tích cực phòng tránh muỗi đốt bằng cách:

          - Nằm màn khi ngủ

- Mặc quần áo dài tay

- Bôi thuốc chống muỗi đốt

- Dùng quạt xua muỗi, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi,vợt điện để diệt muỗi.

- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng để hạn chế muỗi.

- Khi Học viện tổ chức phun thuốc diệt muỗi, các đơn vị, kí túc xá cần mở cửa các phòng để có tác dụng diệt cả muỗi ở ngoài và ở trong nhà.

 

3.  Thứ ba: Phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và xử trí đúng cách

-        Người lớn và trẻ em nghi ngờ bị sốt xuất huyết khi:

    + Sốt cao: Đột ngột 39oC - 40oC liên tục 2 hoặc 3 ngày liền, khó hạ sốt.

    + Đau đầu, đau hốc mắt

    + Đau cơ, đau khớp

    + Chán ăn, buồn nôn

           + Xuất huyết: Chấm xuất huyết ở da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, lợi, kinh nguyệt nhiều và kéo dài bất thường,…

-        Cần làm ngay:

           Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

           Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cho chăm sóc tại nhà, tuy nhiên phải theo dõi chặt người bệnh và cần lưu ý:

          + Hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên bằng Paracetamol

+ Uống nhiều nước : dung dịch Oresol, nước trái cây.

+ Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu: Cháo, súp, sữa, thực phẩm giàu vitamin C

+ Nằm màn cả ngày và đêm, nghỉ ngơi tại giường

+ Theo dõi hàng ngày các triệu chứng cho đến khi hết sốt 2 ngày.

+ Đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nguy hiểm:

           .  Có các chấm đỏ trên da

      . Chảy máu mũi hoặc chảy máu lợi

           . Nôn liên tục hoặc nôn ra máu

           . Đi ngoài phân đen

      . Đau bụng

      . Khát nhiều (khô miệng)

      . Da xanh, lạnh và ẩm

      . Khó thở.

 

 

                                               TRẠM Y  TẾ HỌC VIỆN