Theo khuyến cáo của WHO, COVID-19 lây lan chủ yếu qua các giọt bắn từ đường hô hấp hoặc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm virus. Nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra tại nơi làm việc, khi bạn đi công tác đến khu vực có ca nhiễm cộng đồng, cũng như khi đi làm và trở về nhà.

Dù dịch COVID-19 có diễn biến mới, mọi người đã đi làm và di chuyển để duy trì nhịp sống hàng ngày. Vì thế, bạn cần áp dụng đầy đủ các nguyên tắc an toàn 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế). Bên cạnh nguyên tắc 5K bạn nên lưu ý những điều sau đây để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.

Trang bị các vật dụng cần thiết

Trong mùa dịch COVID-19, bất cứ nơi nào và bất cứ ai cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho chính bạn và cả gia đình. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, bạn nên trang bị cho bản thân những vật dụng cần thiết để ngăn ngừa rủi ro tiếp xúc với giọt bắn hoặc các bề mặt lây nhiễm.

Trước khi đi làm, bạn nhớ kiểm tra 3 vật dụng tối thiểu bao gồm khẩu trang, nước rửa tay và khăn giấy. Đây là những vật dụng bất ly thân mà bạn nên dự trữ sẵn để luôn mang theo mỗi khi ra ngoài.

Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Bạn hãy đeo khẩu trang y tế khi đi đến nơi có nguy cơ cao như các địa phương, địa điểm được cơ quan y tế cảnh báo, khi đến các cơ sở khám chữa bệnh hoặc đến các khu vực có ca lây nhiễm COVID-19. Bạn vẫn có thể đeo khẩu trang vải tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người để vừa tiết kiệm, thân thiện với môi trường và tránh gây thiếu hụt khẩu trang y tế cho tuyến đầu chống dịch.

Nước rửa tay mang theo để bạn sử dụng sau khi đi vệ sinh hoặc chạm vào các bề mặt đồ dùng chung và khi cảm thấy tay dơ khi không có nước sạch và xà bông để rửa tay. Khăn giấy để bạn che miệng khi ho và hắt hơi, để mở cửa toilet hoặc những nơi bạn cảm thấy không sạch sẽ.

Hạn chế tụ tập đông người

Cả người quản lý và người lao động đều nên biết cấp độ nguy cơ lây nhiễm của ngành nghề mình đang làm việc để tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách hạn chế tụ tập đông người.

Các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm thấp là ngành nghề không đòi hỏi phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp nhiều người và có thể làm việc từ xa như viết lách, tư vấn online, bán hàng trực tuyến … Nếu bạn làm việc trong nhóm ngành này thì nên làm việc online hoặc sử dụng điện thoại.

Nhóm ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm trung bình là ngành nghề có công việc cần tiếp xúc với cộng đồng như nhân viên làm việc ở các khu vực như siêu thị, nhà ga, xe bus, sân bay, đường phố, công trình… Khi làm việc tại các khu vực này, bạn sẽ cần chú ý khoảng cách an toàn tối thiểu 1 mét, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Nhóm ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là công việc phải tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 như các y bác sĩ và nhân viên cung cấp dịch vụ cho người bệnh. Do yếu tố rủi ro cao, nên bạn sẽ cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bảo hộ và hạn chế tối đa tiếp xúc người khác.

Vệ sinh văn phòng làm việc

Nếu văn phòng của bạn có nhân viên vệ sinh thì nên nhờ họ dọn dẹp trước khi mọi người đi làm, sau giờ ăn trưa và thường xuyên làm sạch toilet. Khu vực nhà bếp và phòng toilet chính là nơi có nhiều người sử dụng nên cần chú ý trang bị đầy đủ nước và xà phòng rửa tay.

Bạn cũng nên lau dọn hàng ngày bàn làm việc của chính mình để vừa đảm bảo ngăn nắp lại vừa ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm virus. Hãy vệ sinh các bề mặt và vật dụng thường xuyên tiếp xúc như điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…Bạn cũng nên tránh chạm trực tiếp vào các bề mặt như tay vịn, tay nắm cửa, nút thang máy…

Đi cầu thang bộ lên phòng làm việc

Bạn có thể đi cầu thang bộ thay vì thang máy để giảm nguy cơ tiếp xúc gần với nhiều người. Thang máy có không gian chật chội nên chính là một trong những khu vực kém an toàn mà bạn nên tránh trong mùa dịch COVID-19.

Nếu văn phòng của bạn ở tầng cao, bạn có thể tranh thủ đi thang máy ở các khung giờ vắng vẻ hoặc đợi thang máy lần sau ít người hơn. Nếu thang máy có quá 5 người, tốt nhất bạn không nên bước vào mà nên đi cầu thang bộ.

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể

Ngay cả khi áp dụng đầy đủ các nguyên tắc an toàn phòng bệnh, bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nếu có sức đề kháng yếu. Vậy làm sao để bạn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể?

Bên cạnh lối sống lành mạnh như tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý, bạn cũng cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt và nâng cao sức đề kháng.

Chế độ ăn uống tăng sức đề kháng cần đáp ứng đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất bột đường, kiểm soát được lượng chất béo, đủ vitamin và chất khoáng. Trong đó, bạn nên ưu tiên các loại vitamin như A, D, E và C. Các vitamin này tác động vào hoạt động của các tế bào bạch cầu Lympho B và Lympho T để hỗ trợ cho việc sản xuất ra các kháng thể được tốt nhất.

Đặc biệt, vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể, đóng vai trò tăng cường khả năng hoạt động của hệ miễn dịch. Từ lâu vitamin C đã được biết đến là hợp chất chống oxy mạnh. Đặc biệt, vitamin C còn giúp cơ thể tạo ra Interferon – một loại protein hỗ trợ ngăn ngừa sự phát triển của virus gây bệnh.

Sức khỏe là vàng, thế nhưng không phải ai cũng chịu đầu tư thời gian để bảo vệ “kho báu” này. Phải đến khi COVID-19 bùng phát thành đại dịch toàn cầu, phần lớn chúng ta mới bắt đầu tìm cách tăng cường sức đề kháng. Để an toàn khi đi làm trong mùa dịch, bạn hãy điều chỉnh thói quen hàng ngày và đừng bỏ quên chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng nhé!

 

                                                                                                                                                    Nguồn: Sức khỏe và đời sống