Việt Nam có gần 40% người mắc bệnh máu khó đông chưa được chẩn đoán và điều trị
Cập nhật lúc 08:38, Thứ sáu, 21/05/2021 (GMT+7)
Chiều 20-5, Viện Huyết học và truyền máu trung ương phối hợp với Roche Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề "Emicizumab - Bước đột phá trong trong điều trị dự phòng chảy máu trên bệnh nhân hemophilia A".
Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, hemophilia (hay còn gọi là bệnh máu khó đông) là một bệnh lý rối loạn đông máu di truyền. Theo ước tính tại Việt Nam có hơn 6.200 người mắc hemophilia, trong đó hemophilia A (liên quan đến yếu tố đông máu VIII) chiếm hơn 80% và có gần 40% người bệnh chưa được chẩn đoán và điều trị.
Hemophilia có thể khiến người bệnh chảy máu ngay cả khi không bị chấn thương, thậm chí chảy máu kéo dài và tái diễn nhiều lần. Hiện nay, bệnh máu khó đông chưa được chữa khỏi hoàn toàn. Nếu người bệnh không được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng cách, các đợt chảy máu sẽ làm cho cơ khớp bị biến dạng, gây đau đớn, khó khăn trong đi lại. Nếu chảy máu ở những vùng nguy hiểm, người bệnh có thể tử vong.
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương, Chủ tịch Hội rối loạn đông máu Việt Nam cho biết, hiện nay, Viện Huyết học và truyền máu trung ương đang từng bước triển khai điều trị dự phòng (điều trị hạn chế biến chứng chảy máu) cho trẻ em bị hemophilia mức độ nặng và người bệnh có biến chứng khớp. Phương pháp này đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giúp người bệnh hạn chế được tình trạng chảy máu cũng như phòng ngừa hiệu quả các biến chứng.
Nguồn: TT Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội