Chiều 22/10, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Chương trình tập huấn về sở hữu trí tuệ.
Toàn cảnh chương trình
Tham dự chương trình có bà Vũ Thị Thảo - Cán bộ Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ; GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện; cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban chức năng, khoa, viện, trung tâm và đông đảo cán bộ, viên chức trong Học viện.
Phát biểu tại chương trình, GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện cho biết, với phương châm “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”, Học viện đã thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, Học viện đã thành lập 48 nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu xuất sắc, nghiên cứu tình huống thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, khoa học đất, quản lý đất đai, chăn nuôi, thú y, thủy sản, quản lý tài nguyên, môi trường, công nghệ thực phẩm, quản lý kinh tế, phát triển nông thôn, kế toán, quản trị kinh doanh, cơ khí, điện, công nghệ sinh học, sư phạm kỹ thuật.
Tuy nhiên, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả nói chung và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, làm chậm việc ứng dụng của các sản phẩm khoa học công nghệ và thực tiễn sản xuất. Một trong những lý do chính là hiểu biết của các nhà khoa học về việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học, việc phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ sau khi thương mại hóa chưa sâu, chưa cụ thể. Bởi vậy, chương trình tập huấn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các vấn đề cơ bản về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đăng ký sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp, cánh thức quản lý và phân chia lợi nhuận từ việc thương mại hóa công nghệ… để phục vụ thương mại các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện.
GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện cũng mong muốn, trong những thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ nhằm quan tâm hướng dẫn kịp thời trong các hoạt động liên quan. Đồng thời, đề nghị mỗi cán bộ, viên chức tham gia tập huấn sẽ tiếp thu được những kiến thức chuyên môn thực tế để vận dụng vào ngay trong công việc hàng ngày.
Bà Vũ Thị Thảo - Cán bộ Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày các nội dung trọng tâm tại chương trình
PGS.TS. Trần Hiệp - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày quy định
quản lý sản phẩm khoa học và công nghệ của Học viện tại chương trình
Tại chương trình, cán bộ, viên chức Học viện đã được các diễn giả trình bày một số nội dung trọng tâm như: “Nhận diện và xác định cách thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ tạo ra từ kết quả nghiên cứu trong trường Đại học, Viện nghiên cứu” và “Quản trị tài sản trí tuệ, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu” do bà Vũ Thị Thảo - Cán bộ Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ; “Quy định quản lý sản phẩm khoa học và công nghệ” do PGS.TS. Trần Hiệp - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày.
Cán bộ, viên chức Học viện trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến tại chương trình
Trong chương trình tập huấn, các đại biểu tham dự đã có những trao đổi với diễn giả, điều này cho thấy cán bộ, viên chức trong Học viện đã dành sự quan tâm rất lớn đến các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua tập huấn, giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm.
Chương trình tập huấn về sở hữu trí tuệ đã cung cấp cho cán bộ, viên chức những kiến thức cơ bản về việc xác định các đề tài, dự án về khoa học công nghệ được bảo hộ trong môi trường giáo dục và biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu. Qua đó, các diễn giả và đại biểu tham dự có cơ hội thảo luận các giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò của Sở hữu trí tuệ, thúc đẩy đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực để phục vụ thương mại các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện./.
Tin bài: Nguyễn Trọng Tuynh - TT QHCC&HTSV
Ảnh: Nguyễn Trung Đức - TT QHCC&HTSV