Đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của một số bệnh hô hấp

  Khẩu trang có ba tác dụng chính là ngăn bụi, ngăn hóa chất (kể cả khói xe) và ngăn vi sinh vật. Khả năng ngăn bụi, hóa chất hay vi sinh vật tùy từng loại khẩu trang.

Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, thông thường, các loại bệnh lây qua đường hô hấp bao gồm bệnh lây qua đường không khí và qua đường giọt bắn. Giọt bắn là giọt nhỏ li ti, có kích thước lớn hơn 5 micromet, phát sinh qua đường hô hấp khi nói, ho, hắt hơi… Các giọt này có kích thước lớn, tốc độ bắn ra khá nhanh và không lơ lửng trong không khí, có thể rơi, bám vào bề mặt xung quanh, nên có khả năng văng vào mắt hoặc mũi người không mang khẩu trang hoặc không được bảo vệ an toàn trên bề mặt tiếp xúc. Các giọt này có phạm vi ảnh hưởng trong khoảng cách chừng 1 m nên những trường hợp tiếp xúc gần dễ bị lây bệnh.

Các giọt không khí cũng xuất phát từ đường hô hấp, nhỏ dưới 5 micromet, nhẹ, có thể lơ lửng trong không khí và dễ phát tán trong vòng vài chục mét. Ngoài ra, việc tiếp xúc qua trung gian bàn tay với vùng vi khuẩn gây bệnh cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh khi sơ ý dùng tay tiếp xúc trở lại với mũi, miệng. Việc đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp ngăn ngừa, phòng tránh sự lây truyền bệnh hiệu quả. Bản thân bệnh nhân cũng cần mang khẩu trang để mầm bệnh không phát ra ngoài.

Một người khi mang khẩu trang thường là để bảo vệ bản thân mình, nhưng đồng thời còn một tác dụng quan trọng đối với sức khoẻ cộng đồng là bảo vệ người khác khỏi hít phải các giọt hô hấp của chính mình. Việc đeo khẩu trang có tác dụng giảm phát tán vi rút ở người nhiễm, bảo vệ cho người xung quanh mình.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khẩu trang, từ vải thông thường đến khẩu trang y tế, khẩu trang than hoạt tính rồi đến cả những loại khẩu trang chuyên dụng.

Khẩu trang vải thông thường được may từ 2 lớp vải. Tác dụng của khẩu trang vải là ngăn chúng ta hít phải các hạt bụi, khói khi đi lại ngoài đường và cũng ngăn được một phần các giọt bắn.

 

Sử dụng khẩu trang bằng chất liệu vải cotton đơn giản cũng đem lại hiệu quả rõ rệt trong phòng dịch. (Ảnh sưu tầm)

Khẩu trang y tế hay còn gọi là khẩu trang phẫu thuật tuy mỏng nhưng thường được làm bằng 3 lớp vải không dệt và tiệt trùng kỹ càng. Loại khẩu trang này thường có các nếp gấp và một thanh chì giúp khẩu trang ôm khít vào mặt người đeo. Khẩu trang y tế có thể ngăn được hầu hết các giọt bắn nên có thể giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lây truyền qua giọt nhỏ nhưng không ngăn được lây truyền qua không khí.

Khẩu trang than hoạt tính cũng giống như khẩu trang y tế, nhưng lớp giữa có tẩm thêm than hoạt tính. Các nhà sản xuất thường quảng cáo các tính năng ngăn ngừa khí thải độc hại và vi khuẩn của chúng, nhưng thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh khả năng phòng bệnh vượt trội của chúng so với khẩu trang y tế, dù rằng giá cả của chúng cao hơn khá nhiều.

Khẩu trang N95 là loại khẩu trang có cấu tạo đặc biệt, không chỉ ngăn ngừa được giọt nhỏ mà còn ngăn ngừa đến 95% số nhân giọt bắn và không khí. Nhờ vậy khả năng phòng bệnh của chúng cao hơn rất nhiều lần.

Việc đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa những bệnh lây qua đường không khí như bệnh lao, bệnh cúm, các dịch bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H1N1… Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid - 19 vừa qua, theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, việc đeo khẩu trang đối với người chưa bị bệnh nhằm tránh hít phải những giọt bắn lớn chứa nhiều loại vi rút từ người đối diện. Còn với người đang trong giai đoạn ủ bệnh, không ai biết việc đeo khẩu trang có tác dụng cản trở phát tán của vi rút ra ngoài. Trong trường hợp này, nếu không đeo khẩu trang, giọt bắn chứa vi rút có thể bắn xa 2m, rất nguy hiểm. Việc đeo khẩu trang có mục tiêu chính là ngăn cản các giọt bắn lớn, văng ra xa vào mặt người tiếp xúc. Do đó sử dụng bất cứ loại khẩu trang nào cũng được, có thể là khẩu trang vải, khẩu trang 2,3 lớp. Chứ không nhất thiết phải mang khẩu trang y tế, N95. Bởi khẩu trang 4 lớp này là loại mà các nhân viên y tế đang sử dụng để chăm sóc cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh rồi. Việc lạm dụng này khiến nguồn cung thị trường khan hiếm, rất nguy hiểm.

Với người đã nhiễm Covid - 19 và đã phát tán vi rút từ trong cổ họng với mức độ mạnh thì việc đeo khẩu trang thường chắc chắn khả năng phòng tránh là ít hơn. Tuy nhiên với sự nâng cao ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng như hiện nay là một giải pháp hữu hiệu giúp loại bỏ nhiều nguy cơ vi rút lây lan ra cộng động.

Với bối cảnh tình hình dịch Covid - 19 hiện nay tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang khi đến chỗ đông người, hạn chế tiếp xúc và phải đeo khẩu trang cũng như giữ khoảng cách với những người có triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi mắc bệnh. Việc đeo khẩu trang sẽ ngăn những giọt bắn từ ho, nhầy mũi của người bệnh có chứa vi rút, đồng thời với người mắc bệnh sẽ làm hạn chết phát tán vi rút ra ngoài môi trường. Do vậy nếu chúng ta có khẩu trang để che mũi và miệng là có thể tránh được nguy cơ này.